Nghiện ma túy
theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện tại Việt Nam đến năm 2010 là căn bệnh
mãn tính của não bộ, có tính tái diễn tức là rất dễ tái nghiện, đặc trưng bởi
hành vi thôi thúc tìm kiếm và sử dụng bất chấp hậu quả. Do đó điều trị nghiện
ma túy là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực và là tổng thể các can
thiệp về y tế, tư vấn, hỗ trợ tâm lý. Thực tế
sau 1 năm điều trị tại các Cơ sở cai nghiện có đến 90% tái nghiện. Mục
tiêu của chúng tôi là cung cấp các giải pháp dự phòng tái nghiện cho các học
viên chuẩn bị hồi gia để cung cấp cho họ những kĩ năng kiểm soát cơn thèm nhớ,
chiến thắng ham muốn sử dụng ma túy của bản thân, đạt mục tiêu cuối cùng là giảm
tỉ lệ tái nghiện, giảm hậu quả về mặt xã hội do sử dụng ma túy gây ra.
Dấu hiệu nhận biết cơn thèm nhớ, đặc điểm, nhận dạng
·
Là
hiện tượng bình thường của quá trình phục hồi,
·
Là
hậu quả của quá trình sử dụng ma túy lâu dài và sẽ tiếp tục kéo dài sau khi đã
ngưng sử dụng ma túy một thời gian
·
Người
sử dụng ma túy càng dài thì cơn thèm nhớ càng mạnh, càng lâu
·
Độ
dài của một cơn thèm nhớ kéo dài từ 15-20 phút, khoảng cách giữa các cơn thèm
nhớ phụ thuộc vào thời gian cách ly với ma túy
·
Các
dấu hiệu nhận biết: tim đập nhanh, bủn rủn chân tay, cuộn lên trong bụng, thấy
bồn chồn, lo lắng, bứt rứt, khó chịu.
Dưới đây là một số biện pháp ứng phó
nhanh với cơn thèm nhớ ma túy:
1.
Trì hoãn quyết định sử dụng ma túy
Thông thường cơn thèm nhớ sẽ xuất hiện
vào những thời điểm: cữ thời gian trước đây thường sử dụng ma túy, gặp lại bạn
nghiện cũ, nhìn thấy những hình ảnh, âm thanh liên quan đến việc từng sử dụng
ma túy, rơi vào trạng thái cảm xúc tiêu cực hoặc hưng phấn… Người nghiện sẽ có
quá trình đấu tranh giữa việc quay trở lại sử dụng ma túy với mong muốn từ bỏ.
Chỉ cần trì hoãn việc sử dụng lại ma túy khoảng 30 phút khi cơn thèm nhớ đi qua
thì khả năng tái sử dụng lại rất thấp.
2.
Phân tán suy nghĩ
Làm việc khác thay vì ngồi một chỗ và
suy nghĩ về ma túy. Ưu tiên những việc mà bản thân yêu thích hay có hứng thú: tắm,
chạy bộ, lau dọn nhà cửa, chơi thể thao…
3.
Chia sẻ với người khác
Chịu đựng những
cơn thèm nhớ ma túy một mình là điều rất khó khăn. Hãy chia sẻ với người thân,
bạn bè (những người có tiếng nói, sức ảnh hưởng tích cực) là cách hiệu quả để
vượt qua cơn thèm nhớ. Những chia sẻ này sẽ giúp họ giải tỏa những khó chịu, bế
tắc đồng thời còn giúp người nghiện có thêm sự giúp đỡ hữu ích, tiếp thêm nguồn
lực từ bỏ sự cám dỗ mãnh liệt của ma túy.
4.
Độc thoại tích cực
Là cách người
nghiện ma túy tự đối diện với bản thân, tự nhận thức về những hậu quả của hành
vi tái sử dụng lại ma túy cũng như cái mình sẽ được nếu như vượt qua sự ham muốn
sử dụng lại ma túy đang thôi thúc mãnh liệt. Độc thoại tích cực sẽ giúp họ vượt
qua suy nghĩ tiêu cực, buông xuôi để có thêm động lực tiếp tục chiến thắng bản
thân:
· Nó sẽ qua nhanh thôi, mình sẽ làm được.
· Mình không muốn bố mẹ hay vợ con mình
khổ thêm nữa.
· Mính sẽ không để 2 chữ “hối tiếc” hàm
hỏng cuộc đời mình.
· Người A làm được thì mình cũng sẽ làm
được
· Mình sẽ chết nếu mình chơi lại
· Sẽ không còn ai tin mình nữa nếu mình
bỏ cuộc.
5.
Thư giãn, tưởng tượng
Thư giãn, thả lỏng bản thân bằng các bài tập
đơn giản như hít thở sâu để ổn định nhịp tim, ổn định hơi thở, đưa cơ thể về trạng
thái cân bằng trước những dấu hiệu về thể chất và cảm xúc của cơn thèm nhớ ma
túy. Có thể tập thiền, yoga, nghe nhạc
trữ tình, các bộ phim tâm lý tình cảm lãng mạn…
6.
Ra quyết định
Sau một thời
gian đấu tranh với những cơn thèm nhớ, hãy hệ thống lại những hậu quả trong suốt
thời gian lạm dụng ma túy cho bản thân, gia đình, cộng đồng, sự đau đớn về thể
chất khi trải qua giai đoạn cắt cơn, quá trình đấu tranh của bản thân trước sự
cám dỗ của các cơn thèm nhớ… cũng như những lợi ích của việc từ bỏ ma túy để
khi đối mặt với những yếu tố cám dỗ hay khi xuất hiện cơn thèm nhớ, họ có thể tập
trung suy nghĩ về những điều này; từ đó đưa ra được những quyết định một cách
nhanh chóng và đúng đắn.
7.
Viết nhật kí
Viết Nhật ký
cơn thèm nhớ là một biện pháp cần thiết để giúp chủ thể nhận biết một cách
nhanh nhất những tác nhân kích thích ham muốn sử dụng ma túy (hay các yếu tố gợi
nhớ) cũng như những dấu hiệu của cơn thèm nhớ; từ đó có thể kiểm soát cơn thèm nhớ
một cách hiệu quả hơn. Nhật ký cơn thèm nhớ được ghi mỗi ngày cho phép chủ thể
theo dõi được quá trình xuất hiện và biến mất của mỗi cơn thèm nhớ cùng với các
yếu tố liên quan đến việc hình thành cơn thèm nhớ: thời gian, địa điểm, trạng
thái cảm xúc, tần số xuất hiện, độ dài, triệu chứng, các giải pháp áp dụng…
Viết Nhật ký cơn thèm nhớ
cũng giúp chủ thể theo dõi được những sự tiến bộ của bản thân cũng như sự thay
đổi của các cơn thèm nhớ. Sau mỗi lần vượt qua cơn thèm nhớ thành công, những
cơn thèm nhớ tiếp theo sẽ dần dần trở nên ổn định hơn, giúp ta có thêm động lực
và sự tự tin để đối phó với những cơn thèm nhớ tiếp theo.
Cần lưu ý, cơn thèm
nhớ tồn tại ngay cả sau khi chủ thể đã ngừng sử dụng ma túy một thời gian dài
không dù chúng không diễn ra thường xuyên. Các cơn thèm nhớ xuất hiện bất chợt
và biến mất với cường độ thay đổi theo thời gian. Cũng giống như sóng biển, cường
độ của nó sẽ tăng dần lên đạt đến mức tối đa rồi từ từ lắng xuống và tan biến.
Tuy nhiên, thời gian ngừng
sử dụng ma túy càng lâu, các cơn thèm nhớ càng xuất hiện ít hơn với cường độ yếu
hơn. Tuyệt đối không sử dụng lại ma túy là cách tốt nhất để loại bỏ cơn thèm nhớ.
Ngoài ra, cơn thèm nhớ hoàn toàn có thể kiểm soát được khi chủ thể tham gia quy
trình trị liệu tâm lý, được trang bị những kỹ năng cần thiết giúp vượt qua các
cơn thèm nhớ ma túy thành công.
Nguyễn Mai Loan